Hành thiền: Một phương pháp giáo dục hướng thượng

Nếu không kể đến sách dịch, sách Hành thiền là cuốn sách đầu tiên mà người muốn học thiền nên đọc. Hành thiền được in năm 2002 và cho đến nay tập sách mỏng này vẫn là một tài liệu quý về phương pháp thực hành thiền căn bản. Hành thiền trình bày phương pháp thiền do đức Phật Thích ca chỉ dạy như được lưu lại trong kinh tạng Pāli. 
Tác giả là một nhà sư giàu kinh nghiệm tu tập và là một dịch giả, một nhà nghiên cứu uyên thâm pháp Phật. Đó là Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, đã viên tịch ngày 1/9/2012. 

bia 1

Với tập Hành thiền, tác giả trình bày lại một cách ngắn gọn kinh nghiệm thực hành thiền của Đức Phật. Đó là giai đoạn đức Phật học thiền với 2 đạo sĩ Bà-la-môn Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta, cộng với 6 năm thực hành thiền khắc khổ và cuối cùng là kinh nghiệm tự lực công phu và quán chiếu thân tâm của mình cho đến khi được giác ngộ hoàn toàn. 
Không phải ai muốn giác ngộ cũng có thể đi theo con đường mà đức Phật đã đi; thực hành y hệt như đức Phật đã thực hành. Đơn giản là năng lực mỗi người mỗi khác. Và đặc biệt không mấy ai trong lịch sử nhân loại có được tiềm năng tâm linh như thái tử Siddhatha. Mặt khác, môi trường tâm linh mà trong đó thái tử Siddhatha học và thực hành thiền cũng là một thắng duyên mà không phải ai cũng có. Vậy nên, thông qua kinh nghiệm thực hành thiền của Đức Phật được tác giả nghiên cứu và trình bày lại một cách trung thực, người đọc có thể hiểu phương pháp thiền Phật giáo và rút ra bài học ứng dụng cho chính mình. 
Điều đáng chú ý là cách trình bày của tác giả giúp chúng ta phân biệt được thiền Phật giáo với các loại thiền khác, nhất là thiền của Bà-la-môn giáo. Có lẽ không muốn người đọc bị lạc dẫn trên con đường tìm về với đạo thiền như buổi ban sơ của nó, tác giả không hề đề cập đến một phương pháp thiền nào khác. 
Để giúp người học lĩnh hội tốt, tác giả đã trình bày phương pháp Ānāpānasati  như là phương pháp thực hành thiền căn bản nhất của Phật giáo. Cũng là cách đào luyện tâm nhờ theo dõi hơi thở vào hơi thở ra, nhưng Ānāpānasati Phật giáo không giống với cách luyện thở, luyện thân và luyện tâm trong yoga Ấn độ. Vấn đề là tại sao tác giả không trình bày phương pháp thực hành thiền Vipassanā hay thiền Tứ niệm xứ như là phương pháp thực hành thiền căn bản nhất của Phật giáo ở đây.
Có lẽ câu trả lời ít nhiều đã được gợi mở khi tác giả cho rằng thực hành Ānāpānasati giúp cho tâm tỉnh giác và dần dần dẫn đến một chuyển biến lớn trong tâm. Bắt đầu từ việc quan sát hơi thở đến quan sát, thẩm tra, xem xét tâm qua từng hơi thở vào hơi thở ra. Quá trình này đưa đến khả năng quan sát thực tại tự nhiên và rồi cuối cùng là khả năng nhận biết trực tiếp thực tại tự nhiên mà không cần quan sát, thẩm tra, xem xét (tr. 33). 

Hành trì pháp môn Ānāpānasati này, không đem lại một tác hại gì đến thân tâm, không có bùa chú, không có bắt ấn, không có phù phép, hoàn toàn là một nếp sống lành mạnh, trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng chỉ đem lại lợi ích cho người hành giả nhờ không khí trong lành khi hành Thiền, nhờ thở vô thở ra điều hòa, nhờ nuôi dưỡng các cảm thọ hỷ lạc, nhờ tâm được gột sạch các triền cái nên con mắt được sáng suốt, thân thể được khoẻ mạnh, phổi thở vô thở ra được điều hòa, tim đập được điều hòa, mạch nhảy được điều hòa, giúp người hành giả tiến dần đến giác ngộ và giải thoát. (tr. 63)

Và để bảo vệ quan điểm cho rằng phương pháp thực hành Ānāpānasati "đưa đến cứu cánh giác ngộ và giải thoát", tác giả viết: 

Khi dùng tâm theo dõi hơi thở, dán chặt tâm trên hơi thở vô, hơi thở ra, không cho tâm rời khỏi hơi thở... như vậy là tu chỉ hay định. Mặt khác, dùng trí tuệ quan sát 16 đề tài đó, như vậy là quán hay còn gọi là tuệ. Đây là đặc điểm của pháp này, gồm cả thiền định và thiền tuệ, hay gồm cả chỉ (samatha) và quán (vipassanā). Cả chỉ và quán hay định và tuệ đều được song tu trong pháp môn này (tr. 35).

Theo tác giả, Ānāpānasati là phương pháp được đức Phật sáng tạo qua kinh nghiệm tu tập và chứng đạt của bản thân, chứ không phải là phương pháp ngài học từ Ālāra Kālāma, Uddaka Rāmaputta, hay một thầy nào khác. 
Mặc dù tác giả nhấn mạnh chủ ý trình bày lại phương pháp Ānāpānasati của đức Phật chứ không giới thiệu "sản phẩm" của tác giả, những gì được trình bày trong các phần còn lại như Lợi ích của hành thiền, Vài điều nên tránhTại sao phải hành thiền chứng tỏ tác giả là một người am hiểu về thiền đồng thời có kinh nghiệm sống tỉnh giác quán chiếu thân tâm qua hơi thở. Nếu không, tác giả đã không khẳng định Hành thiền là "một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng." (tr. 5)

bia4

Tóm lại, sách Hành thiền vừa cung cấp cơ sở lý thuyết của thiền Phật giáo, vừa chỉ ra phương pháp thực hành một cách có hệ thống, vừa khơi gợi và truyền được niềm tin và động lực thực hành thiền cho người đọc. 

Giác Kiến