Tập trung

Dành thời gian nghỉ ngơi, dừng lại, để nhìn sâu vào từng câu hỏi, từng ý nghĩ, từng phương pháp, từng kinh nghiệm cá nhân tạo ra được một môi trường học tập rất mới nhưng rất quen thuộc với các em học sinh. Mới và đầy thách thức thú vị. Thường thì học sinh không thấy được lợi ích trước mắt như các em mong đợi. Đó không phải là chuyện sử dụng thời gian để mau qua việc khác hoặc gác qua mọi chuyện vô một góc nhỏ nào đó. Nghĩa là cần nhiều thời gian để cho học sinh thấy rằng có cái gì đó quan trọng hơn bên cạnh những gì các em đang thực tập; cần nhiều thời gian hơn nữa để các em ý thức được mình đang làm gì và với ai; cần nhiều thời gian hơn nữa để các em thật sự hiểu được điều mà John Moffitt (2003, tr.125) mô tả dưới đây.

Nhìn sâu vạn vật

Nhìn vật

Ta muốn hiểu sâu

Rừng nghe

Xanh ướm

Nói mau:

Xuân về.

Hiểu chưa

Chưa hiểu

Ai về?

Duyên không

Ai hỏi

Ai về

Duyên không.

Hãy là cuống lá đen cong

Chìm trong nét họa rêu phong mỹ miều

Tan trong thinh lặng sương chiều

Vi vu giai điệu cánh diều nhẹ buông.

Phản ứng với tác hại của “mì ăn liền,” phong trào ăn chậm đang khuyến khích một phương pháp thực tập xưa cổ trong bữa ăn tự nấu ở nhà với các thành phần bổ dưỡng. Ăn trong tỉnh thức hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá và nuôi dưỡng lòng tri ân trong bữa ăn chất lượng. Giống như cách chất bổ bị mất đi trong “mì ăn liền,” giá trị con người đang bị mất đi trong một nền giáo dục mà ở đó mục đích chỉ để tích luỹ thông tin và phương pháp phục vụ cho các kỳ thi cuối khoá. Trong hình thức giáo dục này, việc dạy và học chỉ để  cho xong hết chương trình đã được biên soạn, hoàn thành các đơn vị học trình để bước qua học trình khác. Việc học như vậy có thể được gọi là “học xong liền.”

Những gì phong trào giáo dục thiền định mang lại cho quá trình học cũng giống như những gì phong trào ăn chậm và ăn trong tỉnh thức mang lại cho quá trình tăng cường chất dinh dưỡng vậy đó. Học quán chiếu hay học “chậm” là cách học xưa cổ. Đó là phương pháp học trong các tu viện và trường dòng thời trung cổ, với đặc tính là “đào sâu” hơn là học qua và lướt qua. Với cách học này, người học đôi khi đọc đi đọc lại chỉ có một đoạn thôi, mà ngồi với nó trong im lặng, viết suy tư của mình về nó vào quyển tập, sau đó chia sẻ suy nghĩ của mình với nhóm hay với lớp (xem chương 6 trong Một Tổng Thể Ẩn Tàng (A Hidden Wholeness) của Parker Palmer). Học chậm hợp nhất người học với điều được học giống như thiền ăn hợp nhất người ăn và món ăn vậy.

Học chậm phù hợp với những hình thức học đa phức như đọc thơ, nghiên cứu, trình bày nghịch lý, xử lý tài liệu mơ hồ và còn nhiều tranh cãi, và giải quyết các vấn đề mang nhiều thách thức. Những trường hợp này thường đòi hỏi học chậm. Tập được thói quen học chậm nơi học sinh vốn phải luôn vội vã và bị cuốn về phía trước là điều rất quan trọng. Về việc ghi vào quyển tập kinh nghiệm quán chiếu khi gặp một bài toán khó, một học sinh đã chia sẻ: “Viết ra những gì em nghĩ về… thường cho em cơ hội nhìn lại bài toán từ một góc độ khác và giúp em hình dung ra được phương pháp để giải bài toán đó.

Quả thật, thói quen học (và sau đó là thói quen tiếp xúc với sự sống) một cách hoàn toàn tỉnh thức là kết quả quan trọng nhất của phương pháp học chậm.

Nhiều thầy cô đang áp dụng các hoạt động tỉnh thức từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học. Mở ra các lớp thực tập như tập thiền, tập yoga, tập viết nhật ký có thể giúp học sinh tập trung và tiếp cận các hoạt động sau đó tỉnh thức hơn. Tuy nhiên, phần lớn việc học của học sinh diễn ra ở nhà, nơi mà các thói quen cũ dễ dàng phát triển.

Trong vài năm qua, một điều tôi biết về học sinh của mình là, tôi khuyên học sinh mỗi tối học bài đừng quá 45 phút: đọc bài mới và làm bài tập hết khả năng của mình trong khoảng thời gian đó thôi; và kết quả cho thấy 45 phút học bài và 45 phút ngồi thiền giúp cho học sinh có thể tập trung tuyệt đối vào việc mà các em đang làm. Cách đây 2 năm, để cố gắng giúp học sinh hiểu được giá trị của thiền, tôi kể cho học sinh nghe câu chuyện thực tập rửa chén chỉ để rửa chén thôi của Thiền sư Nhất Hạnh (xem Nhất Hạnh, 1975, tr. 4). Nhiều học sinh hiểu câu chuyện, nhưng, giỏi lắm cũng chỉ ở bề mặt tri thức mà thôi. Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một lớp thực hành thực tiễn ngắn hạn đầu tiên, đó là thiền ăn nho. Tôi hướng dẫn học sinh ăn 3 trái nho khô trong vòng 5 phút với tất cả ý thức về mùi vị và xúc chạm; chỉ bỏ trái nho tiếp theo vào miệng khi nào đã ăn hết không còn một chút xíu nào của trái nho trước trong miệng. Nếu em nào không thể ăn hết 3 trái nho trong vòng 5 phút đó, cũng được, không sao. Ngày hôm sau, tôi giải thích cho học sinh biết tôi muốn các em, khi làm bài tập về nhà, các em hãy tập trung vào bài tập giống y như cách ăn nho đó vậy. “Nhai mỗi bài tập kỹ càng. Tiêu hoá bài tập đó cho hết trước khi bước qua bài tập khác. Làm như vậy, các em sẽ nhận được sự nuôi dưỡng trọn vẹn mà bài tập đó đem lại cho các em. Ngay cả khi các em không có thời gian để làm hết tất cả bài tập, các em sẽ thấy rằng sau khi xếp sách vở lại các em hiểu về những gì các em đã học tốt hơn là khi các em làm bài tập một cách vội vàng cho chóng hoàn thành.”

Tôi thấy khuyến khích học sinh học chậm như thế này là điều có thể làm được bởi vì trong môn toán không có dạng bài tập nào có thể bảo đảm rằng khi làm xong bài tập đó, học sinh chắc chắn sẽ nắm vững một khái niệm mới hoặc thành thạo một kỹ năng mới. Trong một lớp học tiếng Anh, có lẽ hơi vô lý nếu bảo học sinh rằng các em có thể dừng học sau khi đã đọc kỹ ba phần tư các trang sách phải đọc, hoặc có thể dừng lại sau khi đã học được hai phần ba số từ vựng. Cho nên, việc khuyến khích học sinh làm bài tập về nhà một cách tỉnh thức hơn trong hầu hết các môn học chỉ có thể thực hiện được nếu thầy cô có thể ra bài đọc ở nhà ít hơn, ít từ vựng hơn, ít câu hỏi phải trả lời hơn. Nếu quý thầy cô làm được điều này, tôi tin rằng, quý thầy cô sẽ thấy “ít hơn” nhưng thực chất là “nhiều hơn.”

Một cậu học sinh đã suy nghĩ về những gì mà cậu muốn trau giồi sau ba tuần đầu tiên của lớp học năm ngoái thế này.

Tôi thường làm việc đó (bài tập về nhà) chỉ để cho xong cho rồi. Thay vì suy nghĩ kỹ về bài toán mà tôi đang làm, tôi gấp rút lục ra câu trả lời để tôi chuyển sang làm bài tập khác, và cách học này làm hại khả năng thực thụ lĩnh hội bài học của tôi.

Một học sinh khác, sau khi hoàn tất lớp Toán II năm ngoái, viết:

Bây giờ tôi học nhiều hơn và có kỷ cương hơn, phần lớn là nhờ cái đoạn viết về rửa chén, vậy nên, tôi không xem học là một nhiệm vụ, mà tôi học vì tôi thích học.

Richard Brady | Giác Kiến dịch