Đức Phật: Lịch sử và Truyền thuyết

Đức Phật là bậc Giác Ngộ. Tên họ của Ngài là Siddhattha Gotama, sống vào khoảng năm 563 đến 483 trước công nguyên. Bồ-tát Siddhattha Gotama đản sinh trong một gia đình họ Gotama (Cồ-Đàm), tộc Sakya (Thích-Ca). Cha là Suddhodana và mẹ là Mahāmāyā, trị vì một vương quốc nhỏ thuộc vùng Kapilavatthu, gần biên giới Ấn Độ - Nepal ngày này. Ở tuổi 29, Bồ-tát Siddhattha rời bỏ hoàng cung, xuất gia tìm đạo. Sau 6 năm tu luyện, Bồ-tát đạt thành quả vị giác ngộ tối thượng và được người đương thời tôn xưng là Buddha, là Phật, là bậc Giác Ngộ, và nay chúng ta gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một nhân cách vĩ đại của lịch sử. Đức Phật dạy con đường chuyển hóa, gọi là Dhamma, là Pháp. Ngài nhập niết-bàn ở tuổi 80 sau 45 năm giảng dạy.

Về lịch sử của Đức Phật, tóm lược là vậy. Trải qua hơn 25 thế kỷ, hiện nay chúng ta có rất nhiều kinh sách ghi lại lịch sử cuộc đời Đức Phật. Cổ nhất là các bản kinh bằng tiếng Pāli ghi lại những đoạn tiểu sử tự thuật của chính Đức Phật và các kinh văn do các đệ tử của Ngài thuật lại, trong đó chứa nhiều chi tiết về cuộc đời giáo hóa của Ngài. Ra đời muộn hơn những sử liệu về Đức Phật được ghi lại trong kinh điển Pāli là các tác phẩm Sanskrit và Pāli của người đời sau xưng tán nhân cách vĩ đại của Đức Phật để thể hiện lòng tôn kính đối với Ngài. Đó là các tác phẩm Buddhacarita (Công Hạnh của Đức Phật) của Aśavaghosa (thế kỷ thứ II), Śatapañcaśatka của Mātṛceṭa (khoảng thế kỷ thứ II), Jinālaṅkāra của Buddharakkhita (thế kỷ XII)….      

Theo thời gian, Phật giáo đã truyền ra khỏi bờ cõi Ấn Độ và phát triển mạnh ở nhiều nước, nhất là ở Á châu. Đến thời hiện đại, khi Phật giáo đáp ứng được nhiều phương diện của con người trong cuộc sống, những lời dạy của Đức Phật không chỉ được tiếp nhận như một triết lý sống hay một tôn giáo, mà còn là một nguồn minh triết thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng lớn, lịch sử của Đức Phật được nhiều người nghiên cứu và tiếp nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Nhờ đó, nhiều kết quả nghiên cứu về lịch sử Đức Phật đã được xuất bản, và việc tìm hiểu chính xác hơn về cuộc đời của Đức Phật trở nên dễ dàng hơn đối với những ai có duyên lành nghe biết đến triết lý sống của Ngài.

Là hiện thân của một nhân cách vĩ đại, nói theo truyền thống Phật giáo, một nhân cách vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, cuộc đời Đức Phật không chỉ đi vào lịch sử một cách thuần túy là lịch sử, mà cuộc đời tỏa sáng của Ngài đã được kết thêm không ít những tràng hoa truyền thuyết được kết tinh từ lòng sùng kính của người đời sau. Trong khi kinh điển Pali cho chúng ta nhiều chi tiết về cuộc đời cao quý của Đức Phật giàu tính lịch sử và nhân bản, các trước tác ra đời sau thời Đức Phật khoảng trên 500 năm đã để lại cho chúng ta không ít những yếu tố mang tính truyền thuyết. Do đó, người học Phật thời nay thường gặp một khó khăn khi tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật: không phân biệt được đâu là truyền thuyết và đâu là lịch sử về Đức Phật. Khó khăn này có thể được cho qua một cách dễ dàng đối với một số người, nhưng lại có thể làm trở ngại con đường tâm linh đối với một số người khác.

Người có hướng tư duy độc lập và có cách phán đoán khách quan sắc bén thường chỉ có thể chấp nhận những chi tiết giàu nhân tính về cuộc đời Đức Phật. Những chi tiết có tính phi thường đều dễ dàng bị liệt vào truyền thuyết và bị phủ nhận. Ngược lại, người giàu thiện cảm tôn giáo và tâm linh thì thường chấp nhận tất cả những gì được ghi lại trong kinh sách về Đức Phật một cách dễ dàng dù có nhiều chi tiết chỉ là truyền thuyết và chỉ có giá trị tư tưởng hoặc/và tâm linh chứ không có giá trị lịch sử.

Cả hai cách tiếp cận Đức Phật đó đều có những điều lợi ích lẫn những điều bất lợi trong quá trình nâng cao hiểu biết và làm thăng hoa tâm thức của người tiếp cận. Nói một cách chung nhất, cách tiếp cận thứ nhất có thể hiểu chính xác về cuộc đời Đức Phật hơn so với cách tiếp cận thứ hai về phương diện lịch sử thực chứng, do đó động cơ theo dấu chân Phật có thể thực tế hơn và bền vững hơn. Người có cách tiếp cận dựa trên khoa học lịch sử ít rơi vào tình trạng mê tín đang phổ biến và rất hại cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo hiện nay. Tuy nhiên, lớp người này có thể gặp vài điều bất lợi và thiệt thòi khi họ quá duy lý và chỉ y cứ vào những cứ liệu có thể nhận thức rõ ràng qua các giác quan và khả năng tư duy bình thường. Với cách tiếp cận như vậy, họ có thể không học được những giá trị tư tưởng và tâm linh vốn không/chưa được kiểm chứng bằng khoa học thực nghiệm. Các giá trị này nằm đằng sau những hình ảnh có tính huyền thoại phủ lên nhân cách gần gũi của Đức Phật mà cách tiếp cận này không quan tâm đến.

Ngược lại, cách tiếp cận thứ hai có thể chấp nhận mọi phương diện của Phật giáo dễ dàng hơn, niềm tin vào Đức Phật và giáo pháp của Ngài cũng mãnh liệt hơn. Điều này rất quan trọng vì niềm tin có thể trở thành cánh cửa mở lối cho tâm thức thăng hoa. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể dễ dàng đưa người giàu thiện cảm tôn giáo vào tình trạng mê tín dị đoan, không phân định được đâu là sự thật. Mặt hạn chế này không những có hại cho cá nhân người tin mù quáng, mà còn ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đối với sự tồn tại và phát triển của Phật giáo. Trong khi đó, mê tín là điều mà chính Đức Phật khuyên người học Phật nên tránh.

Xin nói thêm rằng, sự phân biệt giữa hai cách tiếp cận hay hai cách nhìn, cũng như ranh giới giữa lợi và bất lợi chỉ có tính tương đối. Ở đây đúng sai không phải là vấn đề. Điều cần thiết là trong từng chi tiết, trong từng tình huống, người học Phật cần phân biệt đâu là truyền thuyết và đâu là lịch sử. Lịch sử có giá trị về bài học của lịch sử. Truyền thuyết có vị trí và ý nghĩa của truyền thuyết. Bài học của truyền thuyết đôi khi thâm thúy mà lịch sử không thể có được, và ngược lại. Do đó, hai cách nhìn này có thể hỗ tương và bổ sung cho nhau, chứ không nhất thiết loại bỏ nhau. Vấn đề là người học Phật cần sáng suốt tiếp nhận một cách hợp lý những bài học lịch sử và bài học truyền thuyết mà mình có được.

Trở lại lịch sử Đức Phật, Ngài nhập niết-bàn đã hơn 2500 năm mà hình ảnh của Ngài chưa bao giờ rời xa cõi đời. Hình ảnh của một con người với lòng thương yêu vô bờ bến và sự hiểu biết cao tột vẫn hiện thân khắp chốn. Trong tâm của người học Phật, hình ảnh một Đức Phật hiền từ, thương loài người thương vạn vật sanh linh luôn có mặt. Ngài là hiện thân của hiểu biết siêu tuyệt, hiểu tận nguồn nỗi đau mà lắm khi chính con người mang nỗi đau đó không hiểu hết. Từ tình thương đó, từ hiểu biết đó mà ngày nay chúng ta mãi thấy vạn vạn cánh hoa hằng ngày vẫn được dâng lên Đức Phật với vô số lần lặp lại lời nguyện: Con nguyện quay về nương tựa Phật (Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi). Kết hợp cách nhìn từ phương diện lịch sử và truyền thuyết giúp cho con người tiếp nhận được thông điệp của tình thương và hiểu biết từ Đức Phật.

Nhìn Đức Phật ở góc độ lịch sử, nhìn Đức Phật qua lăng kính truyền thuyết, nhìn Đức Phật qua sự hiểu biết, nhìn Đức Phật qua lòng thương yêu rộng lớn, chúng ta thấy nhân cách vĩ đại của Đức Phật vẫn tỏa sáng, giáo pháp của Ngài vẫn dẫn bước bao khách lữ hành về chốn bình an của Niết-bàn tối thượng.

Giác Kiến
 

Tài liệu tham khảo:

Schumann, H. W. (1989). The Historical Buddha. London: Penguin.  

Khosla, S. (1986). Aśvaghosa and His Times. New Delhi: Intellectual Publishing House.

Dhammika, S. (1989). Mātṛceṭa’s Hymn to the Buddha. Kandy: Buddhist Publication House.

Bodhi, Bhikkhu, (1995). The Middle Length Discourses of the Buddha: A New Translation of the Majjhima Nikāya. Boston: Wisdom Publications.