Bây Giờ

Bây giờ là phút giây an bình của mọi người.

Tỉnh thức nhận ra điều đó.

* * *

Để nuôi dưỡng bình an lâu dài, người chưa hoàn toàn ngộ đạt thì phải học tập và thực hành liên tục.

Vua Trần Thái Tông có câu:

Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt/ Vạn lý vô vân vạn lý thiên. Nghĩa là ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, vạn dăm không mây vạn dặm trời.

Có không tùy duyên sinh khởi.

Chân thể vốn vậy trước không gian thời gian. Ẩn hiện thì tùy duyên.

* * *

Với người cầu đạo, bóng của bậc chân nhân là duyên không thể thiếu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các Tôn giả đệ tử của ngài, chư vị Tổ sư qua các thời đại, Ngài Khương Tăng Hội, đức Tổ sư Minh Đăng Quang, và nhiều bậc thầy lớn dù đã viên tịch... mà như vẫn còn đây!

Theo gót người xưa, hậu học phải học vậy!

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bậc Giác Ngộ, sống vào khoảng năm 563 đến 483 trước công nguyên. Tên họ của Ngài là Siddhattha Gotama. Bồ-tát Siddhattha Gotama đản sinh trong một gia đình họ Gotama (Cồ-Đàm), tộc Sakya (Thích-Ca). Cha là Suddhodana và mẹ là Mahāmāyā, trị vì một vương quốc nhỏ thuộc vùng Kapilavatthu, gần biên giới Ấn Độ - Nepal ngày này. 

Ở tuổi 29, Bồ-tát Siddhattha rời bỏ hoàng cung, xuất gia tìm đạo. Sau 6 năm tu luyện, Bồ-tát đạt thành quả vị giác ngộ tối thượng, và được người đương thời tôn xưng là Buddha, là Phật, là Bậc Giác Ngộ, và nay chúng ta gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một nhân cách vĩ đại của lịch sử. Đức Phật dạy con đường chuyển hóa trung hoà, gọi là Dhamma, là Pháp. Ngài nhập niết-bàn ở tuổi 80 sau 45 năm giảng dạy. 

Sau hơn 2500 năm, hình ảnh của Đức Phật là một con người với lòng thương yêu vô bờ và sự hiểu biết cao tột cho đến nay vẫn hiện thân khắp chốn. Trong tâm của người học Phật, hình ảnh một Đức Phật hiền từ, đầy tình thương dành cho con người cùng vạn vật sanh linh. Ngài là hiện thân của hiểu biết siêu tuyệt, hiểu tận nguồn nỗi đau mà lắm khi chính con người mang nỗi đau đó không hiểu hết. Từ tình thương đó, từ hiểu biết đó mà ngày nay chúng ta mãi thấy vạn vạn cánh hoa hằng ngày vẫn được dâng lên Đức Phật với vô số lần lặp lại lời nguyện: Con nguyện quay về nương tựa Phật (Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi). 

Ngày nay, nhân cách vĩ đại của Đức Phật vẫn tỏa sáng, giáo pháp của Ngài vẫn dẫn bước bao khách lữ hành về chốn bình an của Niết-bàn tối thượng. 

Tôn Sư Minh Đăng Quang 

Tôn Sư Minh Đăng Quang là vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất sĩ tại Việt Nam với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, một truyền thống Phật giáo biệt truyền tại miền Nam Việt Nam vào giữa thế kỷ 20. 

Tôn Sư Minh Đăng Quang sinh ngày 26 tháng 9 năm Quí Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Khoảng năm 1938 (15 tuổi), với lòng khát cầu chơn lý giải thoát của Đạo Phật, Tôn Sư đã sang Nam Vang (Campuchia) tìm thầy học đạo. Sau khi học Phật một thời gian ngắn, Tôn Sư trở về Việt Nam tự tu tự nghiệm con đường khai mở trí huệ hướng đến giải thoát. 

Năm 1944 (21 tuổi), sau khi đã nắm yếu lý của con đường giác ngộ giải thoát, Tôn Sư bắt đầu thực hành chuyên sâu, giữ hạnh khất sĩ, giới luật nghiêm trì, chuyên tâm thiền định, khai mở trí tuệ. Đến năm 1946 (23 tuổi), con đường giác ngộ giải thoát đã thông, thiền tâm tịnh lặng sáng tỏ đã ngộ, Tôn Sư bắt đầu thâu nhập đệ tử, mở lập tăng đoàn, thực hành hạnh du tăng Khất sĩ, nối truyền Chánh pháp của đức Thích ca. 

Tôn Sư Minh Đăng Quang chỉ hành đạo trong thời gian 8 năm, vào ngày 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954), ở tuổi 31, ngài dặn dò đệ tử lần cuối rồi ra đi theo hạnh nguyện. Tôn Sư vắng bóng từ đó. 

Trưởng lão Giác Dũng 

Trưởng lão Giác Dũng là vị thầy hướng dẫn tinh thần của Phương Thảo Am. Dù Trưởng lão đã viên tịch, tinh thần ấy vẫn uyên nguyên. Đạo hạnh và lời dạy của Ngài luôn là chỗ dựa tinh thần cho đường hướng học tập và ứng dụng thiền của những người học đạo về Phương Thảo Am. 

Trưởng lão Giác Dũng sinh ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Mão (27/9/1939), tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Năm 1964, Trưởng lão xuất gia với Đức Thầy Giác An, đệ tử lớn của Tôn Sư Minh Đăng Quang. Năm 1965, Trưởng lão thọ giới Sadi. Năm 1969, Trưởng lão thọ giới Tỳ-kheo. Sau khi học pháp Thiền của Tôn sư Minh Đăng Quang qua sự hướng dẫn của Đức Thầy Giác An, Trưởng lão chuyên tu thiền quán và thực hành hạnh lợi tha gieo duyên cho những người sơ cơ hướng về với Phật Pháp. 

Trong Giáo hội Khất sĩ, Trưởng lão Giác Dũng là một bậc thầy lớn giàu kinh nghiệm về thiền, có tâm lực đạo lực uy dũng và có lòng từ bi vô lượng. Hơn 40 năm học tu Pháp Phật, và hơn 20 năm tham gia lãnh đạo giáo đoàn, giáo hội, để hành đạo độ đời, Trưởng lão được nhiều người từ nhiều giai tầng xã hội kính ngưỡng theo học. 

Cũng như các thế hệ bậc thầy của mình, sau khi việc cần làm đã làm, Trưởng lão Giác Dũng đã an nhiên thị tịch tại chánh điện Tịnh xá Ngọc Quang, lúc 9 giờ 45 ngày 25 tháng 02 năm Quý Tỵ (5/4/2013). Sự an nhiên thị tịch của Trưởng lão, với những lời giáo huấn cuối cùng về vai trò của thực hành thiền trên đường tu Phật, với tâm vượt qua sanh già bệnh chết, thể hiện rõ tinh thần giải thoát của đạo Thiền, Trưởng lão đã gióng lên hồi chuông tỉnh thức trong cộng đồng Phật giáo và cho tất cả những ai còn đang say mộng hồng trần... 

Bây giờ, tỉnh thức là việc của chúng ta.